1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tư Vấn Luật Nhà Đất / Làm sổ đỏ nhưng chưa có chữ ký của những người liên quan

Làm sổ đỏ nhưng chưa có chữ ký của những người liên quan

Miếng đất của nhà Tôi khoảng tầm 110m2, gia đình Tôi ở trên miếng đất này củng được 25-30 năm rồi. Miếng đất này khi xưa là ông(bà) ngoại của tôi cho mẹ Tôi và tôi sinh sống, hiện nay ông(bà) tôi đã qua đời nhưng miếng đất hiện tại của tôi đang ở chưa có sổ đỏ nên tôi củng muốn làm sổ đỏ, nhưng khi làm thủ tục thì cậu của tôi không đồng ý ký giấy xác nhận cho tôi nên tôi k thể làm sổ đỏ được. Vậy tôi muốn hỏi các anh chị luật sư chỉ cho tôi cách làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không cần chữ ký của cậu tôi hay không? Tại vì qua nhiều lần thuyết phục nhưng ông ấy vẫn không kí và tôi sợ sau này cậu tôi qua đời rồi tôi vẫn chưa làm được sổ đỏ. Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời: Mức phí dịch vụ tư vấn : 500.000 vnđ/ 30 phút Liên hệ 090 220 1233


Theo như thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn sống trên mảnh đất đó đã được 25-30 năm bà ông bà có nói miệng là sẽ cho mẹ bạn mảnh đất trên, mảnh đất chưa có sổ đỏ đến khi ông bà qua đời bạn muốn làm sổ đỏ nhưng cậu bạn không đồng ý.

Thứ nhất, Điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng

Theo thông tin bạn cung cấp ông bà có nói miệng là cho mẹ bạn mảnh đất trên để sử dụng tuy nhiên lại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng chưa làm thủ tục tặng cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên theo quy định của pháp luật thì sự việc tặng cho bằng miệng này không có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 629. Di chúc miệng

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Điều 630. Di chúc hợp pháp

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Căn cứ theo quy định trên, nếu ông bà bạn để lại di chúc miệng không đáp ứng quy định nêu trên thì việc để lại di chúc miệng không có hiệu lực và di sản thừa kế được chia theo pháp luật.

Thứ hai, Thủ tục chia thừa kế theo pháp luật

 Khi ông bà mất đi, mảnh đất trên vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai 2013 như sau:

Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo đó,  trước tiên những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà sẽ lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế trong đó có thể có nội dung liên quan đến việc ủy quyền cho một người thừa kế thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Sau đó, người được uỷ quyền làm hồ sơ này đến Uỷ ban nhân dân xã phường để xác nhận về việc sử dụng đất ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch kế hoạch. Khi đã có văn bản xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường thì bạn có thể nộp hồ sơ đến Phòng tài nguyên môi trường để xin cấp Giấy chứng nhận. Như vậy, khi thực hiện thủ tục đăng ký đất đai buộc phải có văn bản thỏa thuận của mẹ và cậu bạn thì mới có thể thực hiện được.