1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tin tức hoạt động / Quy định về tái đàn lợn

Quy định về tái đàn lợn

Sau dịch tả lợn châu Phi, khiến cho giá lợn tăng cao những ngày qua. Vì thế nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ tại một số địa phương nóng lòng muốn tái đàn. Tuy nhiên để thực hiện việc tái đàn phải tuân theo các quy định của pháp luật, trong đó có việc đảm bảo thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học. Các biện pháp kỹ thuật an toàn sinh học đó là gì? Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội về vấn đề này. Luật sư Hảo cho biết


Ngày 25 tháng 7 năm  2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 5329/BNN-CN khuyến cáo một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó nêu rất tiết các biện pháp cho 3 đối tượng:

  • Thứ nhất, là tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn nông hộ
  • Thứ hai, là tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn trang trại
  • Thứ ba, là khuyến cáo sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn cho lợn.
  • Theo đánh giá thì chăn nuôi lợn nông hộ là khó kiểm soát nhất, rất dễ gây tái phát, lây lan dịch bệnh. Vậy để đảm bảo an toàn sinh học, hộ chăn nuôi cần thực hiện biện pháp gì?

 

Những biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn nông hộ được nêu tại phần A của công văn số 5329 / BNN-CN. Bao gồm:

  • Yêu cầu về chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi
  • Yêu cầu về con giống
  • Thức ăn và nước uống
  • Chăm sóc, nuôi dưỡng
  • Vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi.
  • Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi
  • Xử lý chất thải chăn nuôi
  • Quản lý dịch bệnh.

Để biết thông tin chi tiết các bạn tham khảo công văn nêu trên.

Có một điểm các bạn cần lưu ý, tại mục 5.7 mục A nêu rõ: “Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn vào nuôi. Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.”.

 Được biết, trên cơ sở quy định của pháp luật, căn cứ vào tình hình cụ thể nhiều địa phương cũng có những quy định riêng về việc tái đàn lợn, trong đó quy định về thời gian được tái đàn lợn?

Đúng như thế! Một trong những điều kiện để công bố hết dịch được quy định tại khoản 1, Điều 31, Luật thú y nêu rõ: “a) Trong thời hạn quy định đối với từng bệnh, kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng chết, bị tiêu hủy, giết mổ bắt buộc hoặc lành bệnh mà không có con vật nào bị mắc bệnh hoặc chết vì dịch bệnh động vật đã công bố;”.

Đối với dịch tả lợn châu Phi thì như đã nói trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: “Trong trường hợp chuồng bị dịch, nếu tái đàn nên để trống chuồng ít nhất 30 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.”.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, nhiều địa phương cũng đã có văn bản quy định rất chi tiết về điều kiện, thủ tục tái đàn và xử lý hành vi vi phạm trong việc tái đàn.

Đơn cử:

  • Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định 122/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2019 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa ra nhiều biện pháp tổng hợp, trong đó quy định: “Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả heo Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng đàn.”.
  • Hoặc Công văn số 1535/SNN-CN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội ngày 20 tháng 5 năm 2019 thì: Đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi (thôn, xã), sau 30 ngày không phát sinh dịch mới được tái đàn. Các hộ chăn nuôi khi tái đàn phải đảm bảo yêu cầu: Lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, phải xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc được giám sát bệnh định kỳ theo qui định. Lợn vận chuyển từ các tỉnh ngoài phải có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh, phải có xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Khi nhập lợn về phải nhốt riêng đàn lợn mới mua 5-7 ngày để theo dõi. Trước khi tái đàn phải báo chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo sẽ bị xử lý vi phạm đồng thời khi ốm, tái dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy và không được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố. Trong quá trình chăn nuôi phải áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; hạn chế người chăn nuôi ra vào vùng dịch, không đến các khu tiêu hủy lợn bệnh. Không sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể. Khi xảy ra dịch phải khai báo, không được dấu dịch, nếu không khai báo sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trường hợp người chăn nuôi vi phạm quy định trong việc tái đàn sẽ bị xử lý ra sao?

Đã có nhiều trường hợp vi phạm quy định trong việc tái đàn bị xử lý. Tại Hà Nội trong 3 tháng vừa qua đã xử phạt tái đàn không đúng quy định gần 8.000 con lợn của 196 hộ chăn nuôi. Đáng chú ý trong đó 85% là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhiều lần là không nên tái đàn từ thời điểm này.

Việc tái đàn không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Tiểu mục 1, Tiểu mục 2, Mục1, Chương II, Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Các bạn lưu ý, việc tái đàn không đúng quy định sẽ kéo theo nhiều hành vi vi phạm như: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Hoặc phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. Hoặc Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Dừng phương tiện vận chuyển động vật hoặc thả động vật xuống vùng có dịch trong khi chỉ được phép đi qua;…Bên cạnh đó còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung buộc tiêu hủy lợn

Lê Chiên (thực hiện)