1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tin tức hoạt động / Báo Nông thôn Ngày Nay số ra 17.8.2019

Báo Nông thôn Ngày Nay số ra 17.8.2019

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo trả lời tư vấn pháp luật trên báo Nông thôn Ngày Nay Với các chủ đề: Vứt lợn dịch ra môi trường bị xử lý thế nào? Những thực phẩm nào được mang vào Nhật Bản?


Tôi thấy tình trạng vứt xác heo dịch chết xuống sông suối, vứt ra đất xảy ra rất nhiều như ở Đồng Nai. Hành động này vừa khiến cho môi trường bị ô nhiễm và dễ lây lan dịch bệnh. Người vứt lợn dịch chết ra môi trường sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư tư vấn:

Cơ sở pháp lý:

Luật thú y năm 2015

Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật, với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường.

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 13 Luật thú y 2015 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm thì Hành vi vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường là một trong những hành vi bị cấm.

Về xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật, với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm đồng thời sẽ phải tiến hành biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng.

Trường hợp đã bị xử phạt hành chính  hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm, mức phạt tù tối đa đến 05 năm theo quy định tại điều 241 Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An

                                                                          Báo Nông thôn Ngày Nay, chuyên mục Tư vấn pháp luật tháng 8/2019

Mới đây xảy ra việc nữ du học sinh Việt Nam bị cảnh sát Nhật Bản bắt vì đã mang tổng cộng 350 thanh nem chua nặng 10kg và 360 quả trứng vịt lộn nặng 25kg tới sân bay quốc tế Tokyo.

Từ sự việc này chị có thể tư vấn giúp em: Theo quy định của pháp luật có những cảnh báo, lưu ý, cấm gì khi mang thực phẩm vào Nhật và một số nước khó tính?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn Ls TP Hà Nội

Từ ngày 1 tháng 10 năm 2018 Hải quan Nhật Bản sẽ siết chặt việc kiểm soát hàng hóa thực phẩm ( rau, củ, quả, hạt…. ) khi nhập cảnh. Những người cố tình vi phạm có thể bị phạt tới 10.000 USD hoặc tới 3 năm tù. Chính bởi vậy, nhiều nước đã thắt chặt quy định kiểm soát việc hành khách nhập cảnh theo mang thực phẩm vào quốc gia mình.

Cụ thể những loại Các loại trái cây từ Việt Nam như xoài, vải, ổi, cóc, quýt cam, bưởi, mít, mận, nhãn, chôm chôm, măng cụt, rau muống, ớt, cà tím, cà pháo, nghệ/gừng không được nhập khẩu. Những sản phẩm làm từ thịt nếu không có giấy phép nhập cảnh thì cũng không được phép mang vào Nhật Bản như: ruốc thịt, chả giò, thịt tươi sống…

Nếu muốn mang thực phẩm vào Nhật Bản thì cần phải xuất trình giấy kiểm dịch của các loại thực phẩm, thức ăn, rau củ sau:

  • Tất cả các loại trái cây tươi và khô dưới mọi hình thức.
  • Tất cả các loại rau củ quả tươi sống.
  • Tất cả các loại thịt, thủy sản (như chà bông, xúc xích, tôm, các loại sấy khô dưới mọi hình thức).

Trong trường hợp không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch, hành khách có thể bị phạt số tiền lên đến 1 triệu Yên Nhật (tương đương khoảng 200 triệu đồng), bị tịch thu toàn bộ số thực phẩm đó, nếu cố tình vi phạm có thể bị phạt tù hoặc cấm nhập cảnh vào Nhật Bản vĩnh viễn.

Như vậy, khi nhập cảnh vào Nhật Bản hay các nước khác, các bạn cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật của các nước này đặc biệt là các quy định về nhập cảnh và các đồ dùng, vật dụng hay thực phẩm bị cấm mang theo khi nhập cảnh. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của nước nhập cảnh để không bị xử phạt cũng như tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Báo Nông thôn ngày nay- Chuyên mục Tư vấn tháng 8.2019