Luật sư hình sự bào chữa nhóm tội xâm phạm tính mạng sức khỏe nhân phẩm danh dự con người
Con người là đối tượng hàng đầu được pháp luật nói chung và pháp luât Hình sự nói riêng bảo vệ. Vì vậy, pháp luật quy định về xử lý các tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người hết sức nghiêm khắc. Để giúp quý khách hàng có thể nắm bắt thêm các quy định pháp luật hình sự. Công ty Luật Đức An với đội ngũ Luật sư tận tâm, chuyên nghiệp chuyên bào chữa trong các tội xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
1. Các tội xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người
Các tội xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người quy định tại chương XIV( từ điều 123 đến Điều 156) Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 có 34 Điều, bao gồm các tội: Tội giết người, Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, Tội hành hạ người khác, Tội hiếp dâm, Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi, tội làm nhục người khác, tội vu không, Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi...
2. Cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm hình sự đối các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm hình sự đối nhóm tội xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người quy định tại chương XIV là Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
3. Các dấu hiệu cấu thành các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
3.1. Chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người.
Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện. Tuy nhiên, đối với một số tội phạm, thì ngoài dấu hiệu chung, chủ thể của tội phạm còn cần có các dấu hiệu đặc biệt như: người đang thi hành công vụ trong Điều 137; người có chức vụ, quyền hạn hoặc có quan hệ nhất định đối với người bị lệ thuộc (Điều 130, Điều 140).
3.2. Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là các tội phạm này xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Đối tượng tác động của các tội phạm này là con người cụ thể. Theo đó, con người phải là một cơ thể còn sống và có thời điểm tính từ khi sinh ra cho đến khi chết. Tính mạng ở đây được hiểu là quyền sống của con người. Quyền sống là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Các tội xâm phạm tới tính mạng con người được hiểu là sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động là con người đang còn sống.
Sức khỏe của con người là tình trạng sức lực của con người đang sống trong điều kiện bình thường, là trạng thái tâm sinh lý, sự hoạt động hài hoà trong cơ thể cả về thần kinh và cơ bắp, tạo nên khả năng chống lại bệnh tật. Hành vi xâm phạm sức khỏe con người là hành vi dùng tác động ngoại lực hoặc bất kỳ hình thức nào làm cho người đó yếu đi hoặc gây ra những tổn thương ở các bộ phận trong cơ thể, gây bệnh tật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người đó. Nó làm tổn hại đến khả năng suy nghĩ, học tập, lao động, sáng tạo của nạn nhân.
Nhân phẩm được hiểu là phẩm chất, giá trị của một con người cụ thể và được pháp luật bảo vệ. Nhân phẩm là tổng hợp những phẩm chất mang tính đặc trưng của mỗi cá nhân, những yếu tố đặc trưng này tạo nên giá trị một con người. Danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội, dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp và là cái nhằm mang lại danh dự, nhằm tỏ rõ sự kính trọng của xã hội, của tập thể. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là làm cho người đó bị xúc phạm, bị coi thường, bị khinh rẻ trong gia đình, tập thể, trong nhân dân, trong xã hội tùy thuộc vào vị thế, vai trò và nhiệm vụ, tuổi tác của người đó và mức độ của hành vi phạm tội.
3.3. Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người thể hiện ở những hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành động hoặc không hành động) xâm phạm trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Trong Chương XIV của Bộ luật hình sự, đa số các hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện bằng hành động phạm tội như: sử dụng các công cụ, phương tiện khác nhau để gây nên sự tác động tới con người cụ thể, gây ra những thiệt hại hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại cho con người đó. Đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người thường được thể hiện bằng lời nói, cử chỉ, hành vi phát tán…. xâm phạm tới uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác.. Cá biệt cũng có những tội phạm, hành vi nguy hiểm cho xã hội được thể hiện dưới dạng không hành động phạm tội như: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng - Điều 132 hoặc hành vi không cho con do mình đẻ ra bú sữa gây ra cái chết cho đứa trẻ là một dạng hành vi không hành động phạm tội trong Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ - Điều 124.
Mặt khách quan của tội phạm còn thể hiện ở hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm này là những thiệt hại về thể chất như chết người; thiệt hại về sức khỏe; các ly trẻ em khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người thân; truyền bệnh nguy hiểm cho người khác… hoặc gây tổn hại về tinh thân như xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của con người. Phần lớn các tội phạm thuộc Chương XIV Bộ luật hình sự đều có cấu thành vật chất, tức là hậu quả là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này cần phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra.
3.4. Mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người.
Phần lớn các tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp (như tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, v.v..). Tuy vậy, cũng có tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý (như tội vô ý làm chết người (Điều 128); vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 138), v.v.. Ngoài ra, một số tội phạm ở Chương này còn được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp, như tội bức tử (Điều 130), tội gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137), v.v..
Đối với một số tội, mục đích và động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm như tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136). Ngoài ra, Bộ luật hình sự còn quy định động cơ hoặc mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tăng nặng ở một số cấu thành tăng nặng như động cơ đê hèn (điểm q khoản 1 Điều 123 tội giết người; điểm c khoản 2 các điều 151,152, 153 - các tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em); để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm g, h khoản 1 Điều 123 - tội giết người); để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác (điểm d khoản 2 Điều 133 tội đe dọa giết người); để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm n khoản 1 Điều 134 tội cố ý gây thương tích, v.v..); để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo, để đưa ra nước ngoài (điểm b khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều 150 - tội mua bán người; điểm h, e khoản 2 các điều 151, 152, 153 - các tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em). Đối với các tội khác, động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc.
4.Các khung hình phạt chính đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Hình phạt: Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định hai loại hình phạt đối với nhóm tội phạm này gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung:
Hình phạt chính gồm: cảnh cáo; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn; tù chung thân, tử hình. Ví dụ đối với tội cố ý gây thương tích phạt tù từ 5 năm đến 10 năm đối với trường hợp gây thương tích từ 61 % trở lên hoặc gây thương tích từ 02 người trở lên mà tỷ lệ thương tích từ 31 % đến 60%.
Hình phạt bổ sung gồm: phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định hoặc cấm cư trú, quản chế.
2. Dịch vụ Luật sư tư vấn, bào chữa người bị bắt, bị can, bị cáo tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người bao gồm:
- Tư vấn pháp lý quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong Bộ luật hình sự và các quy định có liên quan;
- Luật sư bào chữa, tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ trong trường hợp bắt người khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã từ khi có quyết định tạm giữ;
- Luật sư bào chữa tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can từ khi có quyết định khởi tố bị can;
- Luật sư bào chữa tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho bị cáo từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử;
- Luật sư bào chữa trong giai đoạn xét xử phúc thẩm;
- Luật sư bào chữa trong giai đoạn xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; Nghiên cứu hồ sơ vụ án; thu thập tài liệu chứng cứ;
- Soạn Đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, bản án hình sự phúc thẩm.
Liên hệ Luật sư hình sự:
Khi có vướng mắc về hình sự, việc có luật sư bên cạnh là một hỗ trợ pháp lý cần thiết tránh oan sai.
Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Địa chỉ: 64B, Nguyễn Viết Xuân, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT liên hệ: 0902201233
Email: luatsubichhao@gmail.com
Web: www.luatducan.vn
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc