1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tư Vấn Luật Hôn Nhân Và Gia Đình / Con gây thiệt hại, cha mẹ có trách nhiệm bồi thường

Con gây thiệt hại, cha mẹ có trách nhiệm bồi thường

Cạnh nhà tôi có một bãi đất trống chưa xây dựng. Bọn trẻ thường xuyên đến đấy đá bóng, chơi đùa. Sẽ không có vấn đề gì nếu chúng không thường xuyên đá làm vỡ cửa kính nhà tôi. Tôi đã tìm hiểu được nhà một số đứa có hành động như vậy, nhưng khi đến nhà nói chuyện yêu cầu bồi thường thì cha mẹ chúng lại gạt đi, không đồng ý. Xin hỏi cha mẹ bọn trẻ có trách nhiệm bồi thường cho tôi không? Xem thêm https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/con-gay-thiet-hai-cha-me-co-trach-nhiem-boi-thuong-516848.html


Khoản 1, Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định cụ thể tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Như vậy, người nào có hành vi xâm phạm tài sản người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định nêu trên. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức và phương thức bồi thường.

Bên cạnh đó, Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN

Xem thêm:https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/con-gay-thiet-hai-cha-me-co-trach-nhiem-boi-thuong-516848.html