1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tư Vấn Thủ Tục Ly Hôn / Ly hôn và giành quyền nuôi con trên 36 tháng tuổi được giải quyết ra sao ?

Ly hôn và giành quyền nuôi con trên 36 tháng tuổi được giải quyết ra sao ?

LSVNO - Chuyện tôi muốn nhờ tư vấn là chuyện ly hôn của em gái tôi. Em gái tôi và chồng kết hôn đã được gần 4 năm. Có 1 con (3 tuổi rưỡi). Thời gian đầu kết hôn (khoảng 2 năm) em gái và chồng ở nhà nội. Sau đó, vợ chồng và con vào Bình Dương. Vay nợ và bên nội cho thêm mua được 1 chiếc xe ô tô để chồng chạy taxi. Nhưng xe lại đứng tên chồng. Chồng hay rượu bia, cờ bạc và cả gái(trong điện thoại chồng lưu tin nhắn với cô gái khác, muốn sinh con với cô gái đó trong khi vẫn còn là vợ chồng với em gái tôi). Suốt 4 năm chung sống, chồng đã 5-6 lần đánh đập. Suốt thời gian vào Bình Dương chạy taxi, em tôi mình chăm con, đưa đón con. Vậy giờ muốn giành nuôi ra sao mong anh chị giúp đỡ. Em gái tôi hiện đang làm nhân viên lương ổn định 7-9 triệu. Cảm ơn Luật sư.


Luật sư trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp thì em gái bạn có con 3,5 tuổi và có yêu cầu ly hôn vì trong quá trình chung sống chồng đánh đạp, cờ bạc và có quan hệ ngoại tình với cô gái khác.

Thứ nhất: Quyền đơn phương ly hôn.

Luật Hôn nhân gia đình 2014, Ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng, hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

  1. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
  2. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Theo đó, một trong những căn cứ ly hôn là vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghĩa vụ, quyền của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài. Đối với trường hợp khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Trước tiên, khi có yêu cầu ly hôn của vợ, chồng, Toà án phải tiến hành hoà giải, nếu hoà giải không thành thì Toà án cần xác định tình trạng của quan hệ hôn nhân, xem có căn cứ ly hôn không để giải quyết.

Thứ hai: Việc nuôi con trên 36 tháng tuổi khi ly hôn

Về nguyên tắc, việc nuôi con khi ly hôn do hai bên thỏa thuận, nếu không có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

  1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
  2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Từ những quy định trên, có thể nhận thấy:

Con bạn đã hơn 3 tuổi vì vậy sẽ không còn được mặc định giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Như vậy, nếu bạn có nguyện vọng được nuôi con thì bạn phải đưa ra các chứng cứ chứng minh với tòa án rằng bạn có đủ điều kiện tốt hơn chồng về mọi mặt để nuôi con giúp con phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Xem thêm: http://lsvn.vn/tro-giup-phap-ly/tu-van/ly-hon-va-gianh-quyen-nuoi-con-tren-36-thang-tuoi-duoc-giai-quyet-ra-sao--30407.html