1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Trợ giúp pháp lý / Trường hợp bắt buộc nào phải có người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015?

Trường hợp bắt buộc nào phải có người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015?

LSVNO - Những trường hợp nào phải chỉ định người bào chữa? Tôi có người em bị bắt về tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì có bắt buộc phải mời luật sư bào chữa? (Bạn đọc N.T.A)


LSVNO - Những trường hợp nào phải chỉ định người bào chữa? Tôi có người em bị bắt về tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì có bắt buộc phải mời luật sư bào chữa? (Bạn đọc N.T.A)

Luật sư tư vấn:

Các trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội trong vụ án hình sự được quy định tại Khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

  1. a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
  2. b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Như vậy, ngoài các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa là bị can, bị cáo phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình; bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì BLTTHS năm 2015 còn mở rộng thêm người có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân cũng thuộc diện bắt buộc phải có người bào chữa.

 

Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong tố tụng hình sự là quy định mang tính nhân đạo của pháp luật tố tụng hình sự nước ta. Theo đó, trong một số trường hợp đặc thù, do tính chất và hậu quả của tội phạm, hoặc do hạn chế về năng lực nhận thức, năng lực hành vi, dù bị can, bị cáo không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải chỉ định người bào chữa để đảm bảo quyền lợi cho họ. Quyền bào chữa là cần thiết để người bị buộc tội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhằm đảm bảo việc xét xử khách quan, công minh, giảm oan sai người vô tội trong xét xử.

Về nguyên tắc, người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, luật quy định sự tham gia của người bào chữa vào trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo. Đó là các trường hợp mà những người bị buộc tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ yêu cầu Đoàn luật sư hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa cho họ theo quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.

Đối với trường hợp em bạn nếu bị khởi tố ở khung hình phạt theo khoản 3 và khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự 2017 với mức hình phạt từ 15 năm đến 20 năm trở lên thì thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo