1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Tư Vấn Thủ Tục Ly Hôn / Tranh chấp tài sản khi chung sống như vợ chồng

Tranh chấp tài sản khi chung sống như vợ chồng

Bác em lấy chồng không đăng ký kết hôn, hai vợ chồng có với nhau 4 đứa con ( 2 đứa sinh đôi 20 tuổi, đứa thứ 3 18 tuổi, đứa út 14 tuổi). Bác em có đi nước ngoài làm việc và thường xuyên gửi tiền về cho chồng, sau vài năm đi làm bác đã gửi tiền về cho chồng mua được 1 mảnh đất thông qua đấu thầu tại thôn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây được 1 ngôi nhà. Sau 1 thời gian chung sống, chồng bác ngoại tình và lấy vợ thứ 2 có đăng ký kết hôn, mang về nhà ở rồi đuổi 4 mẹ con bác em về ngoại. Mọi chứng từ mua bán đều đứng tên chồng bác em. Bác em bị đuổi đi tay trắng, mặc dù của cải do 1 tay bác gái gây dựng. Trường hợp này theo Luật sư nên xử lý như thế nào ạ. Em trân trọng cảm ơn.


Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Theo quy định tại Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì:

“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Điều 216 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quản lý tài sản chung: “Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Điều 217 BLDS 2015 quy định về sử dụng tài sản chung:“1.Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Điều 219 BLDS 2015 quy định về chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung:

“1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

Theo thông tin bạn nêu, bác bạn và chồng sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Theo đó việc chia tài sản về nguyên tắc nếu là tài sản riêng của ai vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; nếu là tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên. Nếu không thoả thuận được thì được phân chia theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, cụ thể tại Điều 216, 217, 219 có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con. Quyền sử dụng đất là ngôi nhà đứng tên chồng nên khi khởi kiện, bác bạn cần cung cấp chứng cứ chứng minh việc đóng góp tạo dựng nên ngôi nhà. Đơn khởi kiện nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN.