1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / Luật sư Phạm Thị Bích Hảo với Chính sách đầu tư phát triển Nông nghiệp

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo với Chính sách đầu tư phát triển Nông nghiệp

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ngày 17 tháng 4 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP “ Về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, có hiệu lực thi hành từ 17.4.2018 thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Vì sao phải ban hành Nghị định này? So với Nghị định cũ có điểm gì mới? Cụ thể, điểm mới đó là gì? Trong những điểm mới đó thì đâu là điểm nổi bật? Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật Đức An (Thanh Xuân, Hà Nội) xung quanh vấn đề này.


Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn những dự án nào được ưu đãi, hỗ trợ?

Về những dự án đầu tư được hưởng ưu đãi theo quy định tại khoản 3,4,5 điều 3 Nghị Định 57/2018 bao gồm:

    - Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư.

    - Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư.

   -  Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I thực hiện tại vùng nông thôn, không thuộc địa bàn đã quy định tại khoản 3 và 4 Điều này.

Căn cứ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định tại Điều 3 quy định các ngành nghề thuộc các dự án cụ thể như sau:

“1. Vùng nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố.

2.      Ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn bao gồm những ngành, nghề được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (Phụ lục I) và những ngành, nghề khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.”

Doanh nghiệp đầu tư dự án có ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn bao gồm những ngành nghề sau: Trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Xây dựng cánh đồng lớn; Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản tập trung; Sản xuất, phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản; Đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ; Sản xuất, tinh chế muối; Sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học; Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, dược liệu; Sản xuất bột giấy, giấy, bìa, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản; Sản xuất thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Sản xuất hàng thủ công; sản phẩm văn hóa, dân tộc truyền thống; Đầu tư hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, công trình thủy lợi và hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm, tập trung, công nghiệp; Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom xử lý chất thải làng nghề; Đầu tư chợ ở vùng nông thôn; đầu tư nhà ở cho người lao động ở vùng nông thôn; Sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm; Dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y ở vùng nông thôn; Dịch vụ tư vấn đầu tư, khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, lâm, thủy sản và nghề muối ở vùng nông thôn.

Vì sao phải ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP  về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Ngày 17/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thay thế cho Nghị định 210/2013/NĐ-CP khi tình trạng lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn.

Trong thời gian gần đây, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được Nhà nước và các địa phương tập trung đầu tư khá lớn, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Với quy định tại Nghị Định nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nghị định đưa ra nhằm mục đích đẩy mạnh việc hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường được thực hiện theo dự án đầu tư. Doanh nghiệp được hỗ trợ hoặc tất cả vào việc thúc đẩy nông thôn phát triển. Nghị định đưa ra nhằm hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

Luật sư cho biết Nguyên tắc áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Nghị Định?

Căn cứ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định tại Điều 4. Theo đó việc áp dụng ưu đãi và hỗ trơ đầu tư được thực hiện theo 6 nguyên tắc như sau:

1. Nhà nước ưu đãi đầu tư thông qua miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và giảm một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

2. Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng hình thức hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hoặc cấp bù chênh lệch lãi suất cho doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Nghị định này.

4. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết với nông dân.

5. Trong cùng một thời gian, nếu dự án đầu tư được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có các mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất.

6. Doanh nghiệp tự bỏ vốn, huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư theo định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành; trình tự, thủ tục hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.

Các doanh nghiệp trên sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

So với Nghị định cũ có điểm gì mới? Cụ thể, điểm mới đó là gì? Trong những điểm mới đó thì đâu là điểm nổi bật thưa luật sư?

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã khắc phục những bất cập của Nghị định số 210/2013/NĐ-CP đồng thời thu hút, tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Nghị định được xây dựng trên cơ sở quy định của các luật có liên quan như: Luật Đầu tư năm 2014, Luật Ngân sách năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, Luật Đất đai năm 2014, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Luật chuyển giao công nghệ năm 2017.

Thứ nhất: Về miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất, giảm tiền thuê đất

Theo quy định tại Nghị Định 57/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật đất đai được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi.

Doanh nghiệp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đối với trường hợp được nhà nước cho thuê đất thực hiện dự án: thì theo Điều 6 dự án được áp dụng mức giá đất ưu đãi do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định; được giảm 50% tiền thuê đất sau thời gian được miễn đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư là 07 năm và đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư là 05 năm; được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động của dự án, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa, sân phơi, đường giao thông, cây xanh); Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 05 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 10 tiếp theo.

Thứ hai: Về hỗ trợ lãi suất vay thương mại.

 Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành, đặc biệt quy định rõ các công trình xây dựng trên đất (bao gồm cả nhà lưới, nhà kính, nhà màng và công trình thủy lợi) của doanh nghiệp đầu tư được tính là tài sản để thế chấp vay vốn tại các ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn một cách tối đa.

Nhà nước cũng hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng.

Thứ ba: Về thủ tục liên thông

Điều 16 Nghị định nêu trên quy định áp dụng thủ tục hành chính cho phép thực hiện liên thông và rút gọn, cụ thể:

Điều 16. Trình tự thủ tục đầu tư

1. Thực hiện liên thông và rút gọn thủ tục hành chính như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này).

b) Quyết định theo quy định tại điểm a khoản này là quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật đầu tư.

Trường hợp có từ 02 doanh nghiệp trở lên cùng đăng ký thực hiện dự án đầu tư trên cùng địa điểm thì thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

c) Doanh nghiệp có dự án thuộc danh mục quy định tại điểm a khoản này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin hoặc cấp giấy phép quy hoạch để lập quy hoạch 1/500. Thời gian cung cấp thông tin hoặc cấp giấy phép quy hoạch tối đa không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của doanh nghiệp.

d) Việc thẩm định thiết kế cơ sở các dự án thuộc danh mục quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo điểm b khoản 4 Điều 57 Luật xây dựng.

đ) Các công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị hoặc xây dựng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, hoặc trong khu nông nghiệp công nghệ cao có quy hoạch 1/500 được duyệt thì được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng.

e) Tất cả các dự án không phải thẩm tra công nghệ trừ các dự án quy định tại Điều 30, Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 Luật đầu tư và Điều 13 Luật Chuyển giao công nghệ.

2. Cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ đầu tư.

3. Dự án đầu tư thuộc danh mục quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, khi chưa hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan Nhà nước tại địa phương không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dưới bất kỳ hình thức nào trừ khi có quy định của Luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Với quy định trên đã tạo cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để đưa nông nghiệp phát triển đóng góp hơn nữa vào sự phát triển kinh tế nông thôn.

Cảm ơn luật sư

Lê Chiên thực hiện