Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay
14/04/2017 05:28
(kiemsat.vn) – Nền kinh tế thị trường đã có sự tác động đến hoạt động vay vốn, cho vay vốn; đặc biệt hợp đồng vay đã có những biến tướng phức tạp gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp.
Các hình thức hợp đồng vay
Trước đây khi nói đến vay vốn người ta hay nghĩ tới ngân hàng, song thủ tục vay vốn của ngân hàng phức tạp mất nhiều thời gian, trong khi người vay cần vốn gấp trong thời gian ngắn, nếu chờ làm thủ tục vay vốn ngân hàng sẽ làm lỡ công việc làm ăn của họ. Vì vậy, họ thường vay vốn ngoài xã hội với hình thức vay bằng tín chấp hoặc thế chấp với thủ tục vay đơn giản. Người vay có thể nhanh chóng lấy được tiền vay để giải quyết công việc mà không cần phải làm thủ tục phức tạp như vay ngân hàng. Hợp đồng vay ngoài xã hội thường được thể hiện bằng các hình thức như sau:
Hợp đồng vay tín chấp:
Với loại hình vay tài sản bằng hình thức tín chấp giữa người cho vay và người vay chỉ thiết lập giấy vay tiền, biên nhận vay tiền hoặc hợp đồng vay tiền (gọi chung là hợp đồng vay tiền). Trong hợp đồng vay tiền hai bên ký nhận với nhau số tiền vay, lãi suất và thời hạn trả; song cũng có trường hợp chỉ ghi nhận số tiền vay, còn lãi suất và thời hạn trả hai bên thỏa thuận ngoài.
Hợp đồng vay có cầm cố giấy tờ nhà đất:
Việc cầm cố giấy tờ nhà đất không lập thành hợp đồng cụ thể mà ghi ngay vào trong hợp đồng vay, các bên không làm các thủ tục về thế chấp theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng vay tiền do các đương sự ký kết bị biến tướng thành hợp đồng khác che đạy hợp đồng vay – pháp luật coi là hợp đồng giả tạo:
Dù vay dưới hình thức nào thì lãi suất vay ngoài xã hội thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay ngân hàng. Bên đi vay thường rơi vào tình trạng cần tiền gấp để thực hiện một nghĩa vụ không thể trì hoãn nên họ phải chấp nhận việc vay tiền với lãi suất cao với những rủi ro trong việc giao kết. Khi làm ăn thuận lợi người vay trả lãi đều đặn cho người cho vay. Nhưng khi làm ăn không thuận lợi việc trả lãi đối với lãi suất mà họ thỏa thuận với người cho vay khiến họ mất khả năng thanh toán dẫn đến tranh chấp xảy ra. Khi giải quyết các trường hợp này thường có sự tranh chấp về lãi suất. Hoặc hợp đồng vay bị biến tướng thành hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với số tiền mua nhà đất của người vay rất thấp so với giá trị thực tế của tài sản, người đi vay luôn bị thua thiệt vì không có khả năng trả nợ và phải chịu trách nhiệm với hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký kết với bên cho vay.
Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay
Đối với hình thức vay có cầm cố tài sản người cho vay thường yêu cầu người vay giao giấy tờ chứng minh quyền tài sản của người vay cho người cho vay giữ để đảm bảo cho việc vay nợ mà không làm thủ tục theo đúng luật định. Khi có tranh chấp xảy ra việc cầm cố chứng minh quyền tài sản của người vay không có giá trị gì đối với hợp đồng vay. Vì vậy, khi kiểm sát cần lưu ý việc tuyên buộc trả lại giấy tờ chứng minh quyền tài sản cho người vay.
Đối với hợp đồng vay biến tướng thành hợp đồng khác. Trên thực tế, các loại hợp đồng này đa số được pháp luật bảo vệ bởi người đi vay không có chứng cứ chứng minh đó là thỏa thuận về hợp đồng vay toàn bộ chứng cứ được đưa ra xem xét là hợp đồng biến tướng- chứng cứ hoàn toàn bất lợi đối với người vay. Khi ký kết hợp đồng vay, ngoài việc ký kết hợp đồng vay tiền thì bên cho vay còn thỏa thuận với bên vay lập hợp đồng mua bán nhà, hoặc bất động sản có công chứng kèm theo với giá chuyển nhượng thấp hơn nhiều giá trị thực tế, mục đích việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng là đảm bảo bên vay thực hiện hợp đồng vay. Khi bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và thanh toán tiền lãi thì bên cho vay yêu cầu bên vay thực hiện hợp đồng chuyển nhượng. Hoặc tự họ đi làm thủ tục chuyển nhượng sang tên nhà đất và đòi nhà đất vì các thủ tục chuyển nhượng đã được làm từ khi vay tiền.
Bên cho vay buộc con nợ phải ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản khi lập hợp đồng vay là nhằm bảo đảm lợi ích của bên cho vay. Nếu chỉ ký hợp đồng thông thường với lãi suất cao, khi người vay không trả được nợ, bên cho vay kiện ra Toà án thì Toà án thường tuyên buộc con nợ phải trả nợ gốc và lãi với mức lãi suất tính tối đa cũng chỉ bằng 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng quy định. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định không vượt quá 50% mức lãi suất giới hạn.
Khi giải quyết những vụ án này, nguyên đơn có nhiều thuận lợi hơn về chứng cứ và thường được Toà án chấp nhận yêu cầu của họ, cho dù Toà án biết rõ đó là hợp đồng giả tạo để che giấu một hợp đồng khác nhưng không có tài liệu chứng cứ để chứng minh.
Khi kiểm sát giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay cần phải xác định rõ thời điểm phát sinh tranh chấp để xác định thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay từ đó xác định có hay không việc tính lãi suất. Xác định những người tham gia ký kết hợp đồng vay để xác định tư cách tham gia tố tụng của họ.
Thứ nhất, về thời hiệu khởi kiện hợp đồng và cách thức xác định thời điểm phát sinh tranh chấp. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác bị xâm phạm. Vấn đề này được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Dân sự năm 2015 với thời hạn là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết về quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo đó, khi tiến hành kiểm sát, việc xác định thời hiệu khởi kiện cần dựa trên tài liệu chứng cứ do các bên đương sự cung cấp. Chứng cứ quan trọng nhất trong giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay là thỏa thuận giữa họ trên hợp đồng vay tiền. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn thì thời điểm phát sinh tranh chấp là thời điểm bên vay tiền vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo kỳ hạn thỏa thuận trên hợp đồng. Đối với hợp đồng vay không ghi thời hạn trả, thì thời điểm phát sinh tranh chấp là thời điểm bên cho vay đòi tiền bên vay, mà bên vay không trả trong một khoản thời gian nhất định.
Thứ hai, về xác định chủ thể tham gia giao kết và những người có liên quan.
Trong bất kỳ vụ án nào, việc xác định những người tham gia tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng. Có nhiều vụ án vì xác định thiếu người tham gia tố tụng dẫn đến việc phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Trong việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay thông thường chỉ có người vay và người cho vay được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn và bị đơn. Song cũng có không ít các trường hợp người chồng hoặc người vợ của phía bị đơn được đưa vào tham gia tố tụng với tư cách bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo yêu cầu của nguyên đơn.
Khi tiến hành kiểm sát loại án này, Kiểm sát viên cần phải xác định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với hợp đồng vay tài sản, nghiên cứu kỹ trong hợp đồng vay để xác định học có bút tích gì trong hợp đồng. Hoặc trong quá trình tự khai, lấy lời khai, hòa giải hoặc đối chất giữa người cho vay với người vay, xác định người vay tiền sử dụng khoản tiền đó vào mục đích gì, từ đó xác định vai trò của người vợ hoặc người chồng trong vụ án, xác định tư cách tham gia tố tụng của họ.
Nếu không đủ chứng cứ để có thể chứng minh khoản tiền mà họ cho vay đã được bị đơn sử dụng vào mục đích chung của gia đình như: Phát triển kinh tế gia đình, mua sắm trang thiết bị trong gia đình thì chỉ buộc được một bên (vợ hoặc chồng) phải trả nợ cho nguyên đơn. Việc này sẽ dẫn đến hệ quả gây khó khăn cho công tác thi hành án do người chồng hoặc người vợ không chấp nhận bán tài sản chung để cho người kia thi hành án.
Thứ ba, về kiểm sát việc tính lãi suất trong hợp đồng vay.
Quy định của pháp luật về tính lãi suất rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong thực tiễn kiểm sát giải quyết án tranh chấp hợp đồng vay có không ít vụ án đã áp dụng và tính lãi suất không đúng với quy định của pháp luật.
Ngoài việc bám sát hợp đồng vay, khi kiểm sát giải quyết tranh chấp hợp đồng vay có liên quan đến lãi suất cần xác định thời hạn, thời hiệu khởi kiện của đương sự đối chiếu với hợp đồng vay để xác định còn hay không còn thời hiệu khởi kiện. Bám sát các quy định của pháp luật và sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự tại Tòa án để áp dụng tính lãi suất đúng theo quy định của pháp luật khi một trong các bên đương sự có yêu cầu tính lại lãi suất hoặc không tính lại lãi suất đã trả cho bên cho vay.
(Trích bài viết “Thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay và một số kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết loại án này” của tác giả Nguyễn Thị Nhàn, VKSND tỉnh Bắc Ninh, TCKS số 20/2016).