1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Thủ Tục Pháp Lý Nhà Đất / Những điều cần biết về đăng ký đất đai theo quy định mới

Những điều cần biết về đăng ký đất đai theo quy định mới

CafeLand - Luật Đất đai 2013 đã thực hiện được hơn 4 năm với nhiều quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đăng ký đất đai là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.


CafeLand - Luật Đất đai 2013 đã thực hiện được hơn 4 năm với nhiều quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đăng ký đất đai là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.

Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý, đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Để hiểu rõ hơn những quy định mới về vấn đề này, CafeLand đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư Hà Nội.

Những điều cần biết về đăng ký đất đai theo quy định mới

Quy định pháp luật nào về đăng ký đất đai người sử dụng đất cần thực hiện, thưa luật sư?

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Vậy, có những hình thức đăng ký đất đai nào, thưa bà?

- Có 2 hình thức chính đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đó là đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

Đăng ký lần đầu được thực hiện trong 04 trường hợp gồm đất được giao, cho thuê để sử dụng; đất đang sử dụng hoặc được giao quản lý và nhà ở, tài sản gắn liền đất nhưng chưa đăng ký.

Hiện nay, đăng ký lần đầu đang được Nhà nước thực hiện với nhiều cải cách hành chính về cấp GCNQSDĐ.

Đăng ký biến động được thực hiện đối với 12 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi do cho thuê, cho tặng, chủ sở hữu đổi tên, thay đổi về diện tích, số hiệu địa chỉ thửa đất, quyền sử dụng chung cho cả vợ chồng. Thay đổi do chia tách quyền sử dụng đất chung của một nhóm người, thay đổi tài sản gắn liền, mục đích, thời hạn sử dụng…

Một số trường hợp đăng ký biến động thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động. Trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Nếu không đăng ký đất đai thì bị xử phạt như thế nào?

- Việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính. Rất nhiều trường hợp, người dân khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thực hiện hoặc chưa thực hiện việc đăng ký biến động quyền sử dụng đất.

Mức phạt tiền đối với trường hợp không đăng ký biến động đất đai từ 2 – 5 triệu đồng.

Thời gian cấp GCNQSDĐ đã có nhiều cải cách nhằm giảm thời gian, chi phí cấp giấy chứng nhận. Luật sư có thể cho biết rõ hơn nội dung này?

Theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã được rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện so với trước đây. Thời hạn cấp sổ đỏ cho người được chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được quá 15 ngày.

Quy định này có ý nghĩa thiết thực trong việc giúp người dân thuận tiện hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai nói chung và thủ tục cấp sổ đỏ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng.

Để được ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất cũng như đảm bảo về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nên đăng ký đất đai, đăng ký biến động ngay sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho… từ đó được Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp và có cơ sở để thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Xin cảm ơn luật sư!

Thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính về đất đai theo Nghị định 01/2017

Thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất; tách thửa, hợp thửa đất, thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý tối đa là 15 ngày.

Thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, vợ, chồng, nhóm người sử dụng đất... tối đa là 10 ngày.

Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày.

Tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 15 ngày.

Gia hạn sử dụng đất là không quá 7 ngày.

Xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất là không quá 5 ngày.

Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề là không quá 10 ngày.

Đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính hoặc thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký là không quá 10 ngày.

Chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu Tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu Tiền sử dụng đất là không quá 30 ngày.

Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày.

Xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 3 ngày.

Đăng ký, xóa đăng ký thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất là không quá 3 ngày.

Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng là không quá 5 ngày.

Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 07 ngày; trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày.

Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 10 ngày.

Thời gian thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp là không quá 10 ngày.

Châu An