Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt
LSVNO - Xin luật sư cho tôi biết, Tòa án có quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền không? Và cụ thể quy định này như thế nào? (một bạn đọc ở Thái Nguyên).
Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016 BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành, khi thụ lý giải quyết vụ án dân sự Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Quy định về Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức.
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Như vậy, khi vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.
Theo quy định tại Điều 34 BLTTDS 2015 thì quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó. Ví dụ: Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Căn cứ theo quy định trên vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.
Thứ hai: Thẩm quyền của cấp Tòa án
Khoản 4 Điều 34 BLTTDS đã quy định: Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tức là, khi thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự có phát sinh tình tiết đương sự yêu cầu Tòa án hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì cần đối chiếu với quy định tại Điều 31, 32, 33 Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC) để xác định thẩm quyền giải quyết hủy quyết định cá biệt trái pháp luật đó. Nếu quyết định cá biệt đương sự yêu cầu hủy không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp mình thì Tòa án đang thụ lý giải quyết kịp thời chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của BLTTDS, Luật TTHC, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó TTHC 2015, Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.
Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó; khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh theo quy định tại Điều 32 Luật TTHC. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.
Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016 BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành, khi thụ lý giải quyết vụ án dân sự Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)