Luật Trợ giúp pháp lý góp phần đảm bảo quyền công dân
LSVNO – Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017 gồm 8 chương, 48 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Với tính chất là hoạt động bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, cung cấp dịch vụ pháp lý (tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa; đại diện ngoài tố tụng, kiến nghị, hòa giải) miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật, nhằm giúp họ bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Với ý nghĩa quyền được trợ giúp pháp lý hay quyền tiếp cận trợ giúp pháp lý là một quyền cơ bản trong hệ thống quyền con người nói chung, là một quyền cụ thể của quyền tiếp cận tư pháp (hay quyền tiếp cận công lý) Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017 gồm 8 chương, 48 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Luật trợ giúp pháp lý 2017 có những điểm mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý đảm bảo quyền tiếp cận tư pháp của người nghèo, người có công cách mạng.
Một trong những điểm mới của Luật trợ giúp pháp lý 2017 là diện người được trợ giúp pháp lý đã bao quát và mở rộng hơn so với luật hiện hành, tăng từ 6 nhóm (theo Chính phủ trình) lên 14 nhóm người. Cụ thể, người được trợ giúp pháp lý bao gồm người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.
Theo đó, 2 đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 là người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng; 2 đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số thường trú thành cư trú (gồm cả thường trú và tạm trú) tại các vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung 2 nhóm người được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo để bảo đảm chính sách hình sự đối với các nhóm đối tượng này; áp dụng trợ giúp pháp lý đối với 8 nhóm người có khó khăn về tài chính, không có khả năng để thuê dịch vụ pháp lý. Việc chỉ định người bào chữa cho đối tượng người chưa thành niên thuộc diện được trợ giúp pháp lý sẽ đảm bảo quyền được bào chữa và trợ giúp pháp lý. Nạn nhân bạo lực gia đình là người yếu thế, bị tổn thương nặng nề, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ, đặc biệt là giúp đỡ về pháp luật. Nạn nhân bạo lực gia đình được quy định quyền được trợ giúp pháp lý đã góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Điều này góp phần thể hiện đúng bản chất trợ giúp pháp lý của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Các đối tượng trên sẽ trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Người được trợ giúp pháp lý có quyền tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan. Đối tượng được trợ giúp pháp lý có quyền lựa chọn tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố.
Luật trợ giúp pháp lý góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý, quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Cụ thể:
- Về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý: Để khắc phục tình trạng tham gia trợ giúp pháp lý một cách hình thức, không hiệu quả của các tổ chức xã hội, Luật trợ giúp pháp lý quy định các điều kiện cụ thể để tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, để ký hợp đồng với các tổ chức có điều kiện tốt nhất cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp sẽ tổ chức lựa chọn theo một quy trình chặt chẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
- Về người thực hiện trợ giúp pháp lý: Điều 20 Luật quy định Trợ giúp viên pháp lý phải có thời gian làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đã được đào tạo nghề luật sư (12 tháng), tập sự trợ giúp pháp lý (12 tháng). Với quy định này, Luật trợ giúp pháp lý nâng tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý ngang với tiêu chuẩn của luật sư theo Luật Luật sư.
Bên cạnh những quy định kế thừa Luật trợ giúp pháp lý 2006, Luật trợ giúp pháp lý 2014 quy định người được thực hiện trợ giúp pháp lý được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
Luật trợ giúp pháp lý là thực hiện các vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, yêu cầu trợ giúp pháp lý chỉ được thụ lý khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 và phù hợp với quy định của Luật này, trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Hình thức thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định theo đúng bản chất yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý, cụ thể: Luật trợ giúp pháp lý đã kế thừa Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 và quy định 03 hình thức trợ giúp pháp lý, bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Cụ thể tại Điều 27, lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý:
1. Trợ giúp pháp lý được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
2. Các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm
a) Tham gia tố tụng;
b) Tư vấn pháp luật;
c) Đại diện ngoài tố tụng.
Về quyền của người được trợ giúp pháp lý: Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan. Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này.
Với những quy định trên đã công khai thông tin về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để người được trợ giúp pháp lý được chọn, được yêu cầu thay đổi khi người thực hiện trợ giúp có hành vi nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Luật có nhiều quy định mới để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, như: quy định phải công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình; ngoài hình thức nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, người dân có thể nộp đơn yêu cầu qua hình thức điện tử, fax; việc yêu cầu trợ giúp pháp lý có thể do các tổ chức, cá nhân khác thực hiện; thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay (vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử).
Luật Trợ giúp pháp lý bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý, cụ thể:
- Luật trợ giúp pháp lý quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, đồng thời quy định thời hạn cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương về yêu cầu trợ giúp pháp lý của bị can, bị cáo, người bị hại là người được trợ giúp pháp lý.
- Đối với các cơ quan nhà nước có liên quan, Luật quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình nếu phát hiện công dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Quy định trách nhiệm của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 hướng tới là nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý, đưa trợ giúp pháp lý trở thành địa chỉ tin cậy của những người được trợ giúp pháp lý.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)