1
Bạn cần hỗ trợ?
Trang chủ / Sự kiện bình luận / Trường hợp nào Tòa án được tạm đình chỉ vụ kiện dân sự?

Trường hợp nào Tòa án được tạm đình chỉ vụ kiện dân sự?

LSVNO - Tôi đang là nguyên đơn trong vụ kiện về tranh chấp đất đai, tôi mới nhận được quyết định tạm đình chỉ vụ kiện. Tôi xin hỏi luật sư, trường hợp nào Tòa án được tạm đình chỉ vụ kiện. Tôi cảm ơn! (Nguyễn Nam, Nam Định)


 

Luật sư tư vấn:

Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án quyết định tạm ngừng việc giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý trong một thời hạn khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn, thì Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đó.

Căn cứ quy định tại “Điều 214 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là:

a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;

b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;

c) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;

d) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;

đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;

e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;

g) Theo quy định tại Điều 41 của Luật phá sản;

h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

Đối với trường hợp sau khi Tòa án thụ lý vụ án thì phát hiện được sự việc mà đương sự yêu cầu phải do cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền giải quyết trước, nhưng đương sự chưa yêu cầu hoặc đã yêu cầu mà chưa có kết quả giải quyết, thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và hướng dẫn đương sự gửi đơn yêu cầu đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết đó. Sau khi có kết quả giải quyết, đương sự không đồng ý hoặc không được giải quyết trong thời hạn, thì Tòa án lại tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án.
Theo quy định hiện nay, các trường hợp tranh chấp đất đai cần phải yêu cầu cơ quan, tổ chức khác giải quyết theo Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành, thì đương sự có quyền khởi kiện đến Tòa án. Như vậy, khi đơn kiện về các tranh chấp đất đai mà chưa được hòa giải theo quy định của pháp luật đất đai, Tòa án đã thụ lý vụ án và phát hiện ra căn cứ này, thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và hướng dẫn đương sự nộp đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết trước.

Khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn, thì Tòa án lại tiếp tục giải quyết vụ án dân sự đó. Điểm mới quan trọng nữa của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là đã quy định cụ thể ngày hết hiệu lực của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)

Xem thêm http://lsvn.vn/tro-giup-phap-ly/tu-van/truong-hop-nao-toa-an-duoc-tam-dinh-chi-vu-kien-dan-su-24490.html