Chia di sản thừa kế đối với đất chưa có sổ đỏ
Chia thừa kế đất chưa có sổ đỏ khiến cho nhiều người sử dụng đất gặp những khó khăn trong việc chia thừa kế. Pháp luật quy định về vấn đề này như sau:
1. Đất chưa có sổ đỏ là gì?
Theo khoản 16 điều 3 Luật đất đai 2013 quy định : “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ rất quan trọng, vì vậy đất chưa có sổ đỏ rất khó khăn trong việc chứng minh căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, xác định nghĩa vụ và hạn chế trong việc thực hiện các giao dịch.
2. Điều kiện được chia thừa kế quyền sử dụng đất
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất Đai 2013 quy định điều kiện thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất như sau:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất Đai 2013
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Ngoài ra, theo điểm c khoản 3 Điều 167 Luật Đất Đai 2013 thì văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người để lại di sản là quyền sử dụng đất nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì vẫn có thể để lại di sản thừa kế.
3. Đất không có sổ đỏ vẫn có thể chia thừa kế
Căn cứ vào Nghị quyết 02/2004 do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, việc xác định quyền sử dụng đất là di sản như sau:
- Đối với đất do người đã mất để lại mà người đó đã có Giấy chứng nhận thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
- Đối với trường hợp đất do người đã mất để lại mà người đó có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.
- Trường hợp người đã mất để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì được phân biệt như sau:
+ Trường hợp đương sự có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp Giấy chứng nhận (đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận) thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất đó.
+ Trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất.
+ Trường hợp UBND cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với đất không được phép tồn tại trên đất đó thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.
Như vậy, cho dù đất vẫn chưa có sổ đỏ, sổ hồng nhưng nếu quyền sử dụng đất được xác định là di sản thì vẫn có thể được chia di sản thừa kế theo quy định
4. Cách chia tài sản thừa kế đất khi không có Sổ đỏ?
Đất chưa có sổ đỏ vẫn có thể được chia thừa kế:
● Thừa kế theo di chúc: Di sản thừa kế theo di chúc sẽ được chia theo ý nguyện của người để lại di chúc (Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 )
Thừa kế theo pháp luật: Nếu không có di chúc thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 675 Bộ luật dân sự 2015
5. Dịch vụ tư vấn và chia thừa kế theo pháp luật
Luật sư tư vấn quy định chia thừa kế
Tư vấn chuẩn bị hồ sơ
Tư vấn về khai nhận thừa kế
Phí dịch vụ pháp lý theo thoả thuận
Công ty Luật TNHH Đức An – Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Nơi trao gửi niềm tin của khách hàng.
Đặt lịch làm việc: 090.220.1233 – 024.665.44233
Địa chỉ: 64B phố Nguyễn Viết Xuân – phường Khương Mai- quận Thanh Xuân – Hà Nội
web: www.luatducan.vn