Chồng giành quyền nuôi con thế nào?
Mình là nam giới, đã ly hôn vợ được hơn 1 năm. Thời điểm đó do con còn nhỏ, 1 bé 3 tuổi, 1 bé thì 1,5 tuổi. Do con còn nhỏ nên tòa xử giao cho vợ nuôi. Nhưng vợ mình thì gửi về quê cho mẹ vợ nuôi.
Bây giờ mình muốn đón con về nuôi, nhưng phía vợ mình không đồng ý. Mình thì thấy vợ mình điều kiện không có. Thì mình có dành quyền nuôi con được không ?
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư Hà Nội
Giành lại quyền nuôi con sau khi Tòa án có bản án là việc chứng minh người có quyền nuôi con không đáp ứng được các điều kiện về vật chất và giáo dục, nuôi con mà pháp luật quy định. Trong trường hợp nào được thay đổi người nuôi con? Điều kiện để giành lại quyền nuôi con là gì?
Theo quy định tại điều 84 Luật Hôn nhân và Gia Đình 2014:
“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, để có thể giành lại quyền nuôi con khi không được sự đồng ý của người có quyền nuôi con, bạn cần chứng minh được người đó không đáp ứng đủ điều kiện về vật chất cũng như tinh thần để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo giục con.
-
Điều kiện về vật chất được hiểu là khả năng kinh tế, công việc ổn định, có thu nhập và chỗ ở hợp pháp để sinh sống, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống
-
Điều kiện về tinh thần: Người có quyền nuôi con không được có hành vi bạo lực đối với con cái, không để con tiếp xúc với cái tệ nạn xã hội; tạo môi trường sống, học tập, vui chơi đảm bảo hình thành và phát triển nhân cách bình thường của con.
Khi chứng minh được người có quyền nuôi con không đáp ứng được cái điều kiện trên, bạn có quyền khởi kiện giành lại quyền nuôi con. Theo như bạn cung cấp, vợ bạn để 2 con cho bà ngoại trông mà không trực tiếp nuôi và thường xuyên trong trạng thái không đủ điều kiện vật chất để nuôi con. Đây chính là căn cứ để bạn có thể khởi kiện giành lại quyền nuôi con.
Để có thể thực hiện giành lại quyền nuôi cả 2 con khi đã có bản án của Tòa án cần căn cứ theo độ tuổi của con theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
-
Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con;
-
Đối với con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi con.
Do đó, để có thể giành lại quyền nuôi cả 2 con khi đã có bản án của Tòa án, bạn cần chứng minh cho Tòa án thấy bạn có đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con và có đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con bạn, bên cạnh đó nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên cần cần xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, khi chứng minh được các điều kiện về nhân thân, điều kiện tinh tế, điều kiện tinh thần như trên, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để giành lại quyền nuôi con.
Trình tự thủ tục giành lại quyền nuôi con đi đã có bản án của Tòa án
Hồ sơ khởi kiện đề nghị Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi trong trường hợp không đạt được thỏa thuận về quyền nuôi con gồm có:
-
Đơn khởi kiện (Đơn xin giành lại quyền nuôi con);
-
Bản án ly hôn;
-
Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (bản sao chứng thực);
-
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
-
Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp.
Thủ tục giành lại quyền nuôi con khi đã có bản án Tòa án được thực hiện theo quy định tại các Điều 28,35 và 39 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có quyền nuôi con cư trú, làm việc;
Bước 2: Sau khi nộp đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Thời gian giải quyết sẽ được quy định tại Điều 203 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
-
Theo điểm a khoản 1 Điều 203 Bộ Luật này, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, nhưng nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thời hạn sẽ không quá 06 tháng;
-
Theo khoản 4 Điều 203 Bộ Luật này quy định thời hạn mở phiên tòa là 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Liên hệ Luật sư Hôn nhân Gia đình. Phí tư vấn theo giờ. Thanh Toán chuyển khoản trước khi tư vấn
Luật sư kinh nghiệm trong tư vấn pháp luật đất đai, tuyên truyền pháp luật đất đai
Với Luật sư kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn pháp luật, đặc biệt là pháp luật về thừa kế, đất đai đã tư vấn trên VTV2, VietNamNet, Cafeland
Luật Đức An, chất lượng và uy tín
Trân trọng!
Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Địa chỉ: 64B, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội
ĐT liên hệ: 0902201233 - cố định 024 66544233
Email: luatsubichhao@gmail.com Web: www.luatducan.vn
Face: Công ty luật TNHH Đức An