Kỷ niệm 73 năm Ngày Truyền thống luật sư Việt Nam 10.10.2018
Sự kiện đáng tự hào ấy được đặt nền móng từ việc ban hành và từng bước hoàn thiện chế định luật sư Việt Nam theo Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 14-1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định (Quyết định số 149/QĐ-TTg) lấy ngày 10-10 hàng năm là Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam.
Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945 đã trở thành một cột mốc quan trọng trong việc hình thành khái niệm quyền bào chữa và nghề luật sư trong chế độ cách mạng. Hơn một năm sau, Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta ra đời, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thực hiện, Điều thứ 67 đã quy định: “Các phiên tòa án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”.
Như vậy, quyền bào chữa đã chính thức trở thành một nguyên tắc hiến định trong lĩnh vực tư pháp. Nguyên tắc ấy đã khẳng định vị trí, vai trò của người luật sư trong xã hội dân chủ pháp quyền với tính cách là người bảo vệ, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, đồng thời thể chế hóa quyền bào chữa và nhờ người khác - luật sư - bào chữa cho mình.
Ở Việt Nam, quyền bào chữa của công dân và vai trò của luật sư ngày càng được nâng cao. Sau ngày độc lập, thống nhất đất nước, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã lần lượt xác định quyền bào chữa và nghề luật sư. Hiến pháp năm 1980, Điều 133 quy định: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”. Điều 132 Hiến pháp năm 1992 cũng nêu rõ: “Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình”.
Nhà nước ta lần lượt thể chế hóa, nâng cao vai trò của luật sư qua các văn bản quy phạm pháp luật từ thấp đến cao: Pháp lệnh Tổ chức luật sư ngày 18-12-1987 và Quy chế Đoàn Luật sư ban hành kèm theo Nghị định số 15/HĐBT ngày 12-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng đánh dấu sự đổi mới về tư duy pháp lý đối với nghề luật sư theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Để tiếp tục hoàn thiện chế định luật sư, mười hai năm sau một pháp lệnh mới về luật sư được ban hành. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đưa chế định luật sư nước ta tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm cơ sở cho việc hội nhập thế giới trong quá trình toàn cầu hóa. Sau 5 năm thi hành Pháp lệnh, Luật Luật sư năm 2006 (có hiệu lực từ ngày 01-01-2007) thay thế Pháp lệnh Luật sư năm 2001.
Các Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự của nhà nước cũng từng bước tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm đầy đủ quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân trước pháp luật và không ngừng nâng cao vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng.
Đội ngũ luật sư Việt Nam ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Với quá trình lịch sử 68 năm qua, lực lượng luật sư không ngừng lớn mạnh về số lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề. Thực tế, giới luật sư thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc phát huy quyền dân chủ cơ bản của công dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp luật, phục vụ tích cực công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Sự kiện đáng tự hào ấy được đặt nền móng từ việc ban hành và từng bước hoàn thiện chế định luật sư Việt Nam theo Sắc lệnh 46/SL ngày 10-10-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 14-1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định (Quyết định số 149/QĐ-TTg) lấy ngày 10-10 hàng năm là Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam.
Luật Đức An tổng hợp.